Thursday, October 31, 2013

Tỉnh Bình Dương và các điểm đến du lịch của Bình Dương

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm TP. HCM 30 km.
Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc trung ương, gồm 6 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành với 112 xã, phường, thị trấn (60 phường, 39 xã, 13 thị trấn).
Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Ngoài ra còn có khu du lịch Đại Nam là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á,...
Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2694,4 km2 xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ. Với tọa độ địa lý 10o51' 46" - 11o30' Vĩ độ Bắc, 106o20'- 106o58' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp TP HCM. Phía Đông giáp Đồng Nai. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và TP. HCM.
Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến 11,mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm đến 2.000mm. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5oC.
Bình Dương là cửa ngõ giao thương với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á … cách sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 - 15 Km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội toàn diện. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ  đô la Mỹ
Các điểm đến du lịch tại tỉnh Bình Dương:
1.      Khu Du Lịch Đại Nam
Cách TP HCM 40 km, Đại Nam là khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên giải trí, dã ngoại và du lịch tâm linh lớn nhất cả nước, với diện tích 450 ha. Hiện nay công trình đã hoàn thành 250 ha và đón khách tham quan. Du khách như lạc vào thế giới khác, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Bức tường thành bằng đá với tượng binh lính canh gác tạo nên không gian của những đế chế đã mất, nhưng phía sau bức tường đó lại là khách sạn Thành Đại Nam 5.000 phòng hiện đại.Khu vui chơi giải trí hiện nay có hơn 40 trò chơi từ cảm giác mạnh như thám hiểu bầu trời, vòng xoay vũ trụ, con thuyền siêu tốc, đua xe F1... tới các trò chơi dân gian, trượt tuyết trong môi trường -5 độ C, rạp chiếu phim 4D trình chiếu các bộ phim khoa học. Khu vực biển nước mặn và nước ngọt rộng 21,6 ha, bãi cát trắng mịn và sóng cao 1,6 m, sức chứa 30.000 người.
Vườn thú rộng 12,5 ha cũng là một điểm nhấn của khu du lịch Đại Nam. Chủ sở hữu đã đem về đây nhiều động vật hoang dã quý hiếm khắp năm châu như sư tử trắng, tê giác trắng, ngựa vằn, công trắng, hà mã, khỉ sóc Nam Mỹ, linh dương sừng kiếm. Các loài thú được tự do đi lại trong môi trường tự nhiên, chỉ được tách biệt với khách tham quan bằng con suối và hàng cây.Trong suốt hành trình du ngoạn, khách tham quan có thể lựa chọn đi bộ (dù khá mỏi chân) trên con đường lớp lá dừa mát mẻ, thoải mái nghỉ ngơi tại bàn ghế gỗ kê san sát, hoặc thuê xe đạp với giá 20.000 một ngày. Trong khu du lịch văn hóa này có xe lửa là phương tiện giao thông "công cộng", phục vụ miễn phí.Dường như một ngày là không đủ để khám phá hết Đại Nam. Bầu không khí thân thiện nơi đây cũng khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn quay trở lại, nếu đã một lần ghé thăm. Giá cả ở Đại Nam không đắt đỏ, lại tiện nghi và thỏa mãn được nhu cầu giải trí đa dạng, từ nghỉ ngơi, vui chơi, tắm biển, thử cảm giác mạnh tới lễ Phật, mua sắm, massage, tìm hiểu thiên nhiên, lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương tới thời hiện đại.
2.      Chùa Hội Khánh
Toạ lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh 25km về phía nam.Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741)Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu (1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau chùa được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100m về phía nam.Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm 1990 và 1991. Gần đây nhất, ngày 29/2/1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tổ chức trùng tu.Sau cổng tam quan cổ kính có chạm trổ rồng phượng là khuôn viên chùa yên tĩnh, với nhiều cây cao bóng cả, trong đó đặc biệt có bốn cây dầu cao chót vót, cành lá sum suê, được trồng lúc chùa mới bắt đầu xây dựng, nay tuổi cây đã trên một thế kỷ.Trong chùa, toàn bộ diện tích chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang rộng đến 700m². Ở chánh điện, các pho tượng Phật Thích ca, Địa Tạng... đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Ba tấm bao lam chạm khắc Tứ linh, Tứ quí, Cửu long và Thập bát La hán rất tinh vi, có giá trị nghệ thuật cao. Hai bên tường của chánh điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ Thập bát La hán. Các tác phẩm chạm khắc gỗ này được tạc vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do nhóm thợ điêu khắc nổi tiếng ở Thủ Dầu Một thực hiện.
3.      Hồ Bình An
Hồ Bình An, ở Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An, Bình Dương. Đến với hồ Bình An, du khách sẽ bị thu hút ngay trước vẻ đẹp thơ mộng nơi đây. Hai bên con đường chạy quanh theo bờ hồ, xanh biếc những hàng cây, gió vi vu và tiếng chim hót líu lo tạo cho ta cảm giác thật sảng khoái. Tiến sâu vào một chút là khu trung tâm nhà hàng, nơi để tổ chức tiệc cưới. Theo đó là những căn nhà nổi với lối thiết kế mái nhà của người Tây nguyên, cao và đẹp mắt. Sau một tuần làm việc bận rộn có một buổi dã ngoại hay picnic ở đây thì thật là lý tưởng.
4.      Đình Phú Long
Ðình thần Phú Long đã có từ năm 1825 với lối kiến trúc "Trùng thiềm điệp ốc" thuộc các thế kỷ 17 - 18. Ðình nằm trên một mẫu đất cách chợ Lái Thiêu 500 thước. Tiền diện hướng phía Tây Nam, sát bờ sông Sài Gòn chảy ngang.Cổng ngoài sát mặt quốc lộ 13- trung tâm thị trấn, đầu con đường nay đã tráng nhựa bóng láng dài 300 thước dẫn vào cổng trong sát tận sân đình. Hai cổng của đình đều xoay về hướng mặt trời mọc. Dân gian tín ngưỡng, các bậc trưởng lão đã nói nhiều về vùng đất Lái Thiêu của xứ Gia Ðịnh xưa, bây giờ có nhiều tầng lớp cư dân tứ xứ đến lập nghiệp, thiên nhiên ưu đãi, người người làm ăn thịnh vượng.Ðình uy nghi rộng lớn trong nhiều gian, từng bậc tam cấp bước vào đại sảnh lát gạch hoa thoáng mát. Ðình rộng 40 thước bề ngang vào sâu trên 50 thước.Mái đình lợp ngói âm dương, cổng đình, tường vách dọc ngang, chạm trổ hoa văn, họa tiết phần lớn cẩn li ti bằng từng miếng men sành sứ đồ cổ bóng mượt, ẩn hiện đủ sắc màu, phong phú với biết bao hình tượng đa dạng, điển tích cổ kính, sắc thái đặc thù giữa vùng sông nước thiên nhiên hài hòa.
5.      Suối Trúc
Suối Trúc nằm vắt mình trên một ngọn núi cao nhất trong cụm núi Cậu gồm 12 nhóm lớn nhỏ. Cụm núi Cậu được xem là đoạn cuối của dãy Trường Sơn hùng vĩ và những ngọn núi này chỉ được gọi một cái tên chung là núi Cậu. Có lẽ do ngọn suối len mình giữa bạt ngàn rừng trúc thiên nhiên nên cư dân địa phương đặt tên là suối Trúc. Cũng có người gọi là suối Tre hoặc suối Tiên. Để thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của suối Trúc, du khách phải bắt đầu từ ngọn suối đi ngược lên thượng nguồn. 
6.      Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, Tx. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm Tx. Thủ Dầu Một 7km về phía bắc. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp – nơi sản xuất ra các sản phẩm sơn mài truyền thống nổi tiếng về chất lượng. Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Tùy theo qui mô lớn nhỏ của từng gia đình, mỗi gia đình có thể đảm nhận một khâu hoặc tất cả các khâu để hoàn thành một sản phẩm. Với hàng trăm hộ làm nghề sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công đã cơ giới hoá với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng mang tính chất gia đình truyền thống. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng được xuất khẩu và tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
7.      Chùa Bà
Chùa Bà Bình Dương nằm ngay thị trấn Thủ Dầu Một, được các người Hoa xây dựng từ giữa thế kỷ 19. Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu – vị nữ thần được người dân Châu Á tôn kính thờ phụng.Chùa có diện tích khá lớn được dựng theo kiến trúc chùa của các người Hoa. Hai cổng vào sơn đỏ, vào trong một khoảng sân rộng. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu đặt ngay cửa vào với hai con rồng uy nghi chầu hai bên. Ngay cửa vào có 4 câu đối thể hiện một đời sống tinh thần phong phú của người xưa khi lập ra ngôi Chùa này. Ở đỉnh miếu có rất nhiều hoa văn trang trí được là khéo léo hình Lưỡng long tranh châu và Cá hóa long.
8.      Sân Golf Sông Bé
Sân Golf ở tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 22km.  Đây là sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Được đưa vào sử dụng từ năm 1994, sân golf rộng 100ha và có hơn 10 hồ với các đường lăn bóng được viền bằng hàng cây xanh.Với chiều dài hơn 6.000m và bao gồm 18 hố, sân golf Sông Bé đã được công nhận chính thức bởi USGA/SGA (Hiệp hội những người chơi golf của Mỹ và Singapore).Những tiện nghi khác của sân golf bao gồm: sân tập, cửa hàng, sân tennis, phòng thay quần áo, nhà hàng, biệt thự, sân chơi cho trẻ em, bể bơi, phòng tập thể dục, phòng xông hơi, phòng đọc sách và các phòng chức năng.
9.      Di tích lịch sử Long Hưng Cổ Tự
Chùa Long Hưng - còn có tên khác là chùa Tổ - một di tích lịch sử có tuổi đời 243 năm, tọa lạc tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Long Hưng cổ tự không chỉ là điểm đến của các tăng ni, phật tử, người mộ đạo mà còn là điểm tham quan, tìm hiểu. Ngôi chùa gắn với lịch sử hình thành và phát triển đất phương Nam này đã trải qua bao thăng trầm của chiến tranh. Ngoài tên gọi chùa Tổ, di tích này còn có tục danh là Tổ Đình Bưng Đỉa gắn liền với nhiều giai thoại. Gần đây, ngôi chùa đã được trùng tu, nhưng vẫn còn đó nét hoang sơ thuở nào: Những hàng cây cổ thụ vút cao trên triền đồi, những ngôi mộ của các sư trụ trì viên tịch vẫn còn đó.
10. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Khí hậu nơi đậy quanh năm mát mẻ, cây trái xanh tốt với những luồng kênh rạch không quá chằng chịt cộng với màu đất đỏ phù sa đã tạo một thế giới xanh mát và trong lành. Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn 20km, là một trong năm quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu nổi tiếng với những vườn trái cây rộng hơn 1.250 ha.Nhiệt độ trung bình khoảng 26 độ C, khoảng tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái chín rộ, cũng là dịp nghỉ hè của sinh viên, học sinh, và nhiều bạn trẻ đã tới nơi miệt vườn này để thưởng thức hương vị thơm ngon của nhiều loại trái cây như măng cụt, sầu riêng, mít, chôm chôm, vú sữa, dâu, bòn bon…và tận hưởng không khí trong lành, yên bình của vùng miệt vườn Lái Thiêu.
11. Làng nghề gốm sứ
Bình Dương vốn nổi tiếng với nghề làm gốm. Tại đây có nhiều làng sản xuất gốm sứ như ở các xã Hưng Định, Thuận Giao, Bình Hoà (huyện Thuận An).Phường Chánh Nghĩa của thị xã Thủ Dầu Một với gần 500 lò gốm sứ. Nghề làm gốm sứ Sông Bé trước đây và Bình Dương ngày nay đã phát triển đến trình độ cao từ đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ đến đồ sứ công nghiệp.
P/s: Bài viết có sử dụng hình ảnh và tài liệu tham khảo trên internet

No comments:

Post a Comment