Thursday, November 14, 2013

Tỉnh Bình Định và các điểm đến du lịch tại Bình Định

Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố cảng  Quy Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1.065 km về phía bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 649 km về phía nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, có chiều ngang với độ hẹp trung bình là 55 km (chỗ hẹp nhất 50 km, chỗ rộng nhất 60 km). Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi với đường ranh giới chung 63 km (điểm cực Bắc có tọa độ: 14°42'10 Bắc, 108°55'4 Đông). Phía Nam giáp tỉnh  Phú Yên với đường ranh giới chung 50 km (điểm cực Nam có tọa độ: 13°39'10 Bắc, 108o54'00 Đông). Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai có đường ranh giới chung 130 km (điểm cực Tây có tọa độ: 14°27' Bắc, 108°27' Đông). Phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km, điểm cực Đông là xã Nhơn Châu ( Cù Lao Xanh) thuộc thành phố Quy Nhơn (có tọa độ: 13°36'33 Bắc, 109°21' Đông). Bình Định được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào.Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp chàm  với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; là quê hương của các danh nhân như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân,Nguyễn Đăng Lâm,Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát, Quách Tấn... Bình Định còn nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ và có nền văn hoá đa dạng phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, hò bá trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: Lễ hội Đống Đa, lễ hội cầu ngư...

Thành phố Quy Nhơn có trường  ĐH Quy Nhơn , Đại học Quang Trung (tư thục), Cao Đẳng Bình Định (trước kia là Cao Đẳng sư phạm Bình Định), Cao Đẳng Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế Bình Định hàng năm đào tạo hàng ngàn sinh viên khoa học kỹ thuật cho tỉnh và khu vực miền trung Tây Nguyên.
Điểm đến du lịch tại tỉnh Bình Định:
1.      Suối nước nóng Hội Vân
Ở địa phận thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát có một suối nước nóng đã nổi tiếng từ lâu. Vào nửa sau thế kỉ 18, khi ghi chép về xứ sở Đàng Trong, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng viết: "Phường Đống Đa, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (vào năm Minh Mệnh 13, tức năm 1832, huyện Phù Ly chia thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát) có một cái đầm tròn. Đầm ngày ngày thường sôi, nước trong suốt tới đáy, nóng không thể gần được. Lúc tạnh thì bốc khói, lúc mưa khói càng bốc lên nghi ngút. Trâu, dê ngã xuống như bị luộc. Trong đầm cũng có cá sống được. Tôm, cua đều có sắc đỏ". Tương truyền đây là suối nước mà thần tiên đã ban cho một công nương trong hoàng tộc Chămpa để chữa bệnh. Vì vậy mà con suối này còn có tên gọi là suối Tiên. Nước suối có độ nóng từ 78ºC đến 84ºC gồm nhiều thành phần hóa học. Tại đây có viện điều dưỡng chữa bệnh với các phương pháp trị liệu cổ truyền được du khách đánh giá cao như tắm ngâm, tắm hương sen, phun hơi ở độ nóng 38ºC. Khả năng chữa trị một số bệnh của suối khoáng Hội Vân, thực ra cũng không phải là điều gì huyền bí. Từ thời Pháp thuộc, các nhà chuyên môn đã tới đây nghiên cứu, khảo sát. Trong vòng mấy chục năm qua, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc khảo nghiệm và đi tới những kết luận khoa học về khả năng trị liệu của nước suối Hội Vân.

Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến 1957 đã xuất hiện nhiều bài báo của các tác giả Madrole, D.Sallet, Flendel và H. Fontaine công bố các kết quả nghiên cứu về thành phần của nước khoáng. Năm 1965 công việc này lại được tiếp tục bởi một nhóm các nhà khoa học Mỹ. Từ sau năm 1975 các chuyên gia Bộ Y tế cùng với chuyên gia quốc tế đã tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và đưa ra những đánh giá khoa học về nguồn nước tự nhiên này. Đó là loại nước khoáng có nhiệt độ dao động từ 70-80 độ C, vô trùng, chứa khoảng 20 chất khoáng có ích với những nồng độ thích hợp có tác dụng tốt cho việc chữa bệnh. Từ năm 1978 một nhà điều dưỡng đã được xây dựng và trong tương lai không xa tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp nhà điều dưỡng này thành một trung tâm điều dưỡng có tầm cỡ quốc gia.
2.      Bãi tắm Hoàng Hậu

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng hơn 2 km, nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu đẹp một cách kiêu sa, đài các… như tên gọi của nó. Đến nơi đây du khách sẽ có được cảm giác tuyệt vời khi giẫm bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ, nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Hai bên ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa như pháo thăng thiên. Đến đây du khách còn được đắm mình trong không gian yên tĩnh, hài hòa của gió núi và sóng biển.
3.      Thắng cảnh Ghềnh Ráng

Ghềnh Ráng đã được Bộ văn hóa thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1991 và được đánh giá là danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Bình Ðịnh.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái "sắc nước, hương trời" ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là "Ghềnh Ráng Tiên sa".Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số "tác phẩm" tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá hình đầu sư tử chồm ra biển như muốn lao xuống dòng nước sâu thẳm. Tượng Vọng phu trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp.
4.      Thành cổ Hoàng đế

Theo sử liệu, thành Hoàng Đế do Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) bắt đầu xây dựng từ năm 1776. Thành xây trên nền của kinh đô Đồ Bàn, vương quốc Chăm Pa. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), những gì liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị xóa sạch dấu vết. Thành đã bị nhà Nguyễn san phẳng. Trên mặt bằng của điện Bát Giác, nơi Vua Thái Đức thiết triều, hiện nay là ngôi mộ của Võ Tánh - một viên tướng của Nguyễn Ánh đã tử trận trong cuộc huyết chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn ngay tại thành Bình Định năm 1801.Nơi chôn Võ Tánh (lăng Ông) và thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn đã bị chôn vùi trong quên lãng. Cả một công trình kiến trúc khá quy mô bị đổ nát hoàn toàn không phải do mưa nắng của thời gian, mà là sự phủ định của vương triều sau đối với vương triều trước đó. Đây là nét khác biệt về sự tồn tại giữa thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn với các kinh đô khác của chế độ phong kiến VN. Năm 2004, Bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật lần đầu tiên trong khuôn viên của Tử Cấm Thành, và bất ngờ phát hiện bên phải của điện Bát Giác có một hồ bán nguyệt còn nguyên vẹn. Tại hố đào sát cạnh điện Bát Giác, cả một mái hiên của cung điện này đã hiện ra. Ngoài phần đá móng và gạch lát nền còn có một hàng cột trước mái hiên mà dấu vết còn lại chỉ là những lỗ rỗng. Ở gần đó, người ta cũng phát hiện một công trình kiến trúc khác với những đường nét xây dựng khá tinh tế. Cách chừng 200 mét phía trước cung điện là một thủy hồ. Trong lòng hồ, người ta đã tìm thấy một hiện vật hình chiếc bát được chạm khắc rất công phu, song chưa xác định được công dụng.
5.      Tháp Cánh Tiên

Tháp nằm giữa thành Đồ Bàn thuộc xã Nhơn Hậu – huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 27 km về hướng tây bắc, tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị sụp). Phía ngoài thân tháp các mặt tường được trang trí những mặt ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp Chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và diềm mái. Tại 4 góc, mỗi tầng của tháp này là chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra. Từ xa nhìn lại tháp Cánh Tiên còn giống như một ngọn núi lửa khổng lồ.
6.      Tháp Dương Long

Dương Long là cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, đóng thẳng hàng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông. Hiện nay tháp nằm trên địa phận hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách huyện lị chừng 12km về phía Đông.Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên phổ biến là Dương Long, đôi khi tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một tòa cao có tên là dương long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.
7.      Chùa Long Khánh
Ngôi chùa toạ lạc tại số 141 đường Trần Cao Vân, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơntỉnh Bình Định. Chùa Long Khánh là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bình Định.

Chùa do hoà thượng Đức Sơn huý là Hải Khiển, người Trung Quốc, sang vùng đất Nam Hà dựng vào đời Hậu Lê. Đế nay đã được trùng tu nhiều lần dưới thời các tổ Tịch Thọ, tổ Thiên Thanh, tổ Chánh Nguyên, tổ Chánh Nhơn. Đến năm 1954, chùa bị chiến tranh làm hư hại nặng. Năm 1957-1977, Hoà thượng Huệ Long cho xây lại chùa theo kiểu mới, nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính. Chùa có khánh đồng cổ được đúc năm 1739 đời Hoà thượng Đức Sơn, tượng Phật Di Đà cao 17m được tôn trí vào năm 1972 ở sân chùa. Hiện nay, chùa là nơi đặt Văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định.
Chùa được kiến trúc theo hình chữ “khẩu” phía trước có chánh điện gồm thượng điện và hậu điện. Phần thượng điện thờ Phật A Di Đà và Quan Âm Chuẩn Đề, hậu điện thờ Phật tổ Thích Ca. Hai bên có Đông phòng và Tây phòng. Hai dãy này là chỗ dành riêng chi tăng ni. Phía sau là Tổ đình, thờ các vị khai sơn phá thạch.
Phong cách kiến trúc này mang dáng dấp kiểu chùa của cư dân miền Nam Trung Hoa. Về giá trị kiến trúc, chùa Lonh Khánh không có gì độc đáo, nhưng với lịch sử hình thành và phát triển của Quy Nhơn, chùa Long Khánh có một vị trí khá đặc biệt.
Mặc dù đã qua bao lần trùng tu, tái tạo, chùa Long Khánh vẫn là một di tích lịch sử – văn hoá có giá trị. Đó là một trong hai ngôi chùa có niên đại cổ kính nhất ở Bình Định. Ngày nay, du khách gần xa khi đến chùa không thể không có những phút giây cảm giác tĩnh mịch, sâu lắng và tôn kính như đi vào của thế giới hư vô cực lạc.
8.      Đảo yến Quy Nhơn

Cách trung tâm thành phố duyên hải miền Trung Quy Nhơn không xa là dãy núi đá sừng sững của đảo Yến như một tấm bình phong khổng lồ vươn mình chắn sóng chắn gió cho mảnh đất Quy Nhơn xinh đẹp. Đảo Yến là một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hấp dẫn bởi những hang động thiên tạo có tuổi hàng vạn năm với những vòm đá có nơi cao tới hàng trăm mét. Lòng hang động hiểm trở, cheo leo là nơi thích hợp cho loài chim yến đến làm tổ.Khi bước vào bên trong hang động, du khách không khỏi ngạc nhiên trước vẻ hùng vĩ mà tạo hóa ban cho nơi đây. Đâu đâu du khách cũng có thể thấy những tổ yến chăng thành những dải lớn với những con chim mẹ đang âu yếm mớm mồi cho đàn chim con non nớt. Những tiếng chiêm chiếp của những con chim yến nhỏ, những tiếng sóng dội vào vách đá, và tiếng gió ào ào nơi biển khơi dội lại, tất cả tạo nên một bản hòa ca vô cùng ấn tượng cho đảo Yên thơ mộng.
9.      Núi Bà

Quần thể núi Bà có trên sáu mươi ngọn cao thấp khác nhau, nằm địa phận huyện Phù Cát, phía Nam đầm Đạm Thủy cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng bắc. Trông từ xa, quần thể núi Bà trùng trùng điệp điệp như thể liền mạch, kết khối nhưng tới gần thì xen giữa các sơn khối nhấp nhô là những thung lũng cây cối tốt tươi, bốn mùa đựơc tưới mát bởi hàng chục khe, suối từ trong nguồn chảy ra. Núi Bà uy nghi, huyền diệu với bao điều kì bí mà mỗi nơi chốn, mỗi cái tên đều có một sự tích, đặc biệt là các sự tích về hòn Vọng Phu ở thôn Chánh Oai, trên một ngọn núi cao với hai khối đá, một cao một thấp tựa hình người phụ nữ dắt con, đứng nhìn đăm đăm ra biển, ngóng đợi chồng từ những cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi xa với niềm tin và lòng thủy chung son sắc; hòn Chuông (Chung sơn) ở đỉnh cao nhất phía tây trông xa như hình một quả chuông úp và ngôi chùa Linh Phong (tên dân gian còn gọi là chùa Ông Núi) nổi tiếng linh thiêng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII trên lưng chừng núi, giữa một vùng mây nước, hang động huyền ảo. Cứ vào ngày 24 – 25 âm lịch hàng năm hàng vạn  du khách mọi miền về đây để trẩy hội chùa Ông Núi và nguyện cầu một năm mới yên vui và hạnh phúc.Đến Núi Bà, ngoài việc thưởng lãm và khám phá cảnh quan thiên nhiên đẹp kỳ thú mà hiếm nơi nào có được du khách sẽ được tham quan di tích lịch sử nổi tiếng Bình Định. Núi Bà đã chứng kiến tất cả những bước thăng trầm của lịch sử quê hương, còn đó những phế tích cổ kính, những dấu ấn đậm nét của phong trào Tây Sơn quật khởi và đặc biệt là chứng tích căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. 
10. Đầm Thị Nại

Phía Đông Bắc Quy Nhơn có một đầm lớn chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần 4 cây số. Đầm này đã có thời gian mang tên chữ là Hải Hạc Đàm, nhưng trong dân gian thì từ lâu vẫn gọi là đầm Thị Nại. Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Các nhánh của sông Kôn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Sa bồi tụ dần theo năm tháng khiến cho đầm mỗi ngày một đầy thêm. Khi nước triều lên thì mặt đầm nước mênh mông, vào những hôm trời gió, sóng dập dờn như mặt biển. Những lúc triều xuống, nước rút cạn để trơ lòng đầm, sình lầy lai láng. Cảnh quan như vậy nên trong các sách cổ nơi đây có tên đầm Biển Cạn.Trong đầm ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, tục danh gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay trên miếu này vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, nhưng không phải ngọn tháp kia mà do dân chài lập ra để thờ thủy thần. Lại có thuyết cho rằng từ xưa đến nay ở đây chẳng có tháp nào cả. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuôn như cái tháp mà thôi. Còn Thầy Bói ở đây là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá, có người Bình Định gọi là chim Thầy Bói.
Các món ăn đặc sản của tỉnh Bình Định:
1.      Nem chợ Huyện

“Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành”
Nem Chợ Huyện ngon do cách chế biến một phần nhưng yếu tố chính vẫn là thịt. Thịt ở đây được chọn khá kỹ và phải là thịt heo cỏ. Khâu gói nem rất cần sự tỉ mỉ, cẩn thận để nem đạt độ chín, khi mở lá ra ruột nem có màu hồng bóng, nem được ăn với rau thơm, có thể cuốn với bánh tráng. Nem khi ăn được chấm với nước tương hoặc nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người.
2.      Bún cá Quy Nhơn

Điều làm nên vị ngon “ngất ngây” của Bún cá chính là chả cá. Chả cá được làm từ cá thu, cá mối, cá thuẫn, cá rựa… cá được nạo thịt rồi trộn với dầu ăn, gia vị, hành tím, hành lá…tạo hương vị thơm. Xương cá được hầm chung với xương heo, bắp cải, thơm, cà chua để làm nước súp, cộng thêm ít hành, tiêu, chanh, ớt và một ít rau thưởng thức thì quả là sản vật hết sức thú vị.
3.      Bánh tráng nước dừa

Được làm từ tinh bột khoai mì, trộn với nước cốt dừa, ít vừng, hành và hạt tiêu tất cả đem trộn lại với nhau theo tỷ lệ bí truyền. Bánh thường dùng để khai vị, ăn vào miệng ta có thể cảm nhận được hương vị rất đặc trưng bởi sự hòa quyện của bột khoai mì, nước cốt dừa, cay thơm nồng của hạt tiêu, hành…
4.      Rượu Bàu đá

Được mệnh danh là “Đệ nhất Danh Tửu”, rượu được chưng cất từ gạo và nguồn nước ngầm trong mát, ngọt ngào từ những hộc đá ngầm xóm Bàu Đá, thôn cù lâm, xã Nhơn lộc, huyện An Nhơn. Để có rượu ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ quy trình, kỹ thuật chưng cất đến chất men, nguồn nước. Rượu Bàu Đá càng để lâu càng thơm ngon, uống càng đậm đà, càng sảng khoái.
5.      Bánh ít lá gai

“Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”
Bánh được làm từ: gạo nếp, lá gai, đậu xanh, dừa, đường cát…những sản vật bổ và ngon được trộn lẫn vào nhau theo một công thức bí truyền đã làm nên nét độc đáo riêng của bánh ít. Khẩu bánh thật dẻo, nhưng ăn không dính răng. Ăn một miếng vị thơm của nếp, vị bùi của đậu, vị béo của dầu, vị ngọt của đường, hương cay nồng của gừng, tạo thành một cảm giác khoái khẩu và rất riêng của sản vậy này.


No comments:

Post a Comment