Thursday, October 17, 2013

Bến Tre và các điểm đến du lịch của tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn  sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền Giang và Long An. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2m so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26oC - 27oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500 mm.
Trước kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, một thời gian sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng các ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt. Càng ngày số người đến định cư ngày càng đông, chính sự di cư này kèm theo sự gia tăng dân số, làm cho diện tích  rừng ngày càng thu hẹp.
Bến Tre cũng là quê hương của Đạo Dừa, với biệt danh là "Xứ Dừa". Từ thời chiễn tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam chống chế độ  Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với các hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía tây và nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km. Bến Tre có bốn con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc đồng thời chia Bến Tre thành ba phần là cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh phù sa màu mỡ, cây trái sum suê...
Bến Tre có điểm cực Nam nằm trên vĩ độ 9o48’ Bắc, cực Bắc nằm trên vĩ độ 10o20’ Bắc, cực Đông nằm trên kinh độ 106o48’ Đông và điểm cực Tây nằm trên kinh độ 105o57’ Đông.
Song song với giao thông thủy, ở Bến Tre, hệ thống giao thông đường bộ cũng có một vị trí rất đặc biệt. Thị xã Bến Tre nối liền với thành phố Hồ Chí Minh (qua Tiền Giang, Long An) dài 86 km. Quốc lộ 60 từ phà Rạch Miễu qua thị xã Bến Tre, qua sông Hàm Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên, sang tỉnh Trà Vinh. Quốc lộ 57 từ thị trấn Mỏ Cày, qua thị trấn Chợ Lách đến phà Đình Khao sang Vĩnh Long. Tỉnh lộ 888 nối thị trấn Mỏ Cày với thị trấn Thạnh Phú. Tỉnh lộ 885 nối thị xã Bến Tre với thị trấn Ba Tri, qua thị trấn Giồng Trôm. Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Tân Thành đến bến phà Tân Phú. Tỉnh lộ 882 nối quốc lộ 60 với quốc lộ 57. Tỉnh lộ 883 nối quốc lộ 60 qua thị trấn Bình Đại đến xã Thới Thuận. Tỉnh lộ 887 từ cầu Bến Tre xuống ngã ba Sơn Đốc.
 Các điểm đến thú vị tại tỉnh Bến Tre:
1. Sân chim Vàm Hồ
Sân chim nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre theo đường tỉnh 885, đến thị trấn Ba Tri rồi rẽ về ngã Tân Xuân là đến Vàm hồ, đoạn đường dài khoảng 52 km. Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Người ta biết đến vùng đất này từ hơn 100 năm nay với tên gọi là cù lao Lá. Lúc đầu, nơi đây là một con rạch nhỏ, đổ ra sông Ba Lai, dần dần do phù sa bồi đắp mà nên. Với độ cao trung bình khoảng 1,2 m so với mặt nước biển, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các loài thực vật phát triển tạo thành một dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục ha xuôi theo dòng Ba Lai. Đó chính là nơi trú ngụ của hơn nửa triệu con chim các loại. Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám...; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo....; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn....
2. Cồn Quy
Cồn Quy - một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi... Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.
Cồn Quy là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu thập kỷ 1960. Vào năm 1955, ông Phạm Cao Thăng là người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp. Ông trồng nhiều cây bần để giữ đất không bị trôi. Hàng năm, nhờ lượng phù sa bồi đắp nên Cồn Qui ngày càng được mở rộng. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và nhiều loại cây ăn trái.
3.Cồn Phụng

Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12 km (đường bộ) và 25 km (đường sông).
Cồn Phụng có diện tích 50 ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái.Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là "Xứ giả của hòa bình", chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).
4.Làng hoa cảnh chợ Lách
Về làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách, bạn như bị “mê hoặc” bởi không gian của một vùng quê trù phú, hoa trái bạt ngàn. Trải qua gần trăm năm gầy dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, giờ đây, mỗi năm làng nghề này mang về lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch lý tưởng mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…


5. Đình Phú Tự và cây bạch mai cổ


Đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TX Bến Tre) xây dựng trên gò đất cao nhất vùng, xưa gọi là Gò Xoài. Thời Minh Mạng, khi dân địa phương chọn nơi đắc địa này dựng đình, đã có cây Bạch mai được trồng từ lâu. Đầu thế kỷ 20, khi trùng tu, đình được đổi theo hướng Đông Nam nhìn ra sông Bến Tre nên cây Bạch mai đứng ngay giữa sân đình, bên cạnh đàn Xã tắc, càng tôn thêm vẻ thanh nhã, trang nghiêm của đình.Cây Bạch mai sinh sôi, nảy nở mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ, cao 5-6m, trong đó có 16 thân lớn, đường kính từ 20-30cm. Các nhánh lớn vươn mình trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài từ 7-8m, tỏa thành tán rộng chiếm diện tích khoảng 250m2.
Hằng năm, vào giữa tiết Lập xuân và tiết Thanh minh (từ rằm tháng giêng đến rằm tháng hai Âm lịch), cây Bạch mai lại nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát cả một vùng (đặc biệt, hoa chỉ nở vào ban đêm). Đây là một trong ba cây Bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, còn được mệnh danh là: "Cổ thụ mai", "Thần mai", "Danh mộc Bạch mai".
6. Lăng Nguyễn Thị Định
Nguyễn Thị Định (1920-1992) sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1936 bà đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1974 bà được phong hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1980, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992 - năm bà qua đời.Nhân dân yêu quý bà không vì chức cao, quyền trọng mà vì tấm lòng nhân ái và trong sáng của bà. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về bà như sau: "Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là "sống làm tướng, chết thành thần". Ngày 2-9-1995, bà đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.
Lăng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại Lương Hòa, huyện Giồng Trôm trên khuôn viên 1,5 mẫu. Trong đền thờ có tượng đồng bán thân bà cao 1,75m, nặng hơn 1 tấn do Trung tá Nguyễn Phước Tùng ở Bộ Tư lệnh quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng tạc. Đây là tác phẩm điêu khắc có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
7. Đình Phú Lễ
Năm 1826, vua Minh Mạng sắc phong và cho thành lập Đình Phú Lễ. Đình tọa lạc tại Phú Lễ, Ba Tri. Đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các đình làng quê ven biển Bến Tre. Đình nằm trong bóng mát của hàng trăm cây dầu cổ thụ càng tôn thêm dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc...
Từ đó, Phú Lễ sở hữu ba di sản văn hóa lớn, một là ngôi đình thuộc loại cổ nhất Nam Bộ với mái ngói rêu phong kỳ bí, hai là điệu hát sắc bùa, ba là rượu nếp Phú Lễ danh bất hư truyền...
8. Lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu
Tọa lạc tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mộ và khu tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa vào ngày 16/03/1993. Khu mộ được xây dựng từ đất của một học trò cũ do thầy chỉ dạy. Năm 1990, khu lăng mộ được mở rộng lần thứ nhất với diện tích 5.000m². Đến năm 2000, quy mô của lăng mộ được mở rộng thêm, lần này diện tích đã tăng gấp đôi: 1.000m². Khởi công từ ngày 01/7/2000, đến ngày 30/6/2002 khu lăng mộ mới được khánh thành.
Đặc sản tại Bến Tre
Tới Bến Tre bạn sẽ được thưởng thức vô số những món ăn vô cùng hấp dẫn như: Bánh tét lá cẩm ở Bình Thuỷ, lẩu cháo cua đồng,canh chua cá linh bông sua đũa, cơm dừa, rượu dừa, kẹo dừa...

P/s: Bài viết có dữ liệu và hình ảnh sưu tầm trên internet



No comments:

Post a Comment