Friday, October 4, 2013

Tỉnh Bạc Liêu và các điểm đến thú vị của Bạc Liêu

Tỉnh Bạc Liêu thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực nam của nước Việt Nam. Tỉnh được thành lập ngày 20/12 /1899, chính thức hoạt động từ ngày 01/01/1900. Năm 1956, tỉnh Bạc Liêu bị giải thể nhập vào tỉnh Ba Xuyên. Năm 1964, tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Sau ngày 30/04/1975 , tỉnh Bạc Liêu lại bị giải thể, nhập vào tỉnh Minh Hải. Ngày 06/11/1996 , tỉnh Bạc Liêu được tái lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.
Bạc liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Việt, Khmer, Chăm... Người Bạc Liêu có phong cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bạc Liêu có Công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi, ngoài ra vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ Cổ Hoài Lang đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ. Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Thời Pháp,Mỹ, hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn, chiếm cứ toàn vùng Nam Bộ, ra tới tận Phan Thiết miền Trung và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường Sông MêKong qua Campuchia, hiện nay nghề làm muối tuy không còn thịnh như trước nhưng Bạc Liêu vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây.
Các điểm đến thú vị của Bạc Liêu:
1. Nhà công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu tại số 13, Điện Biên Phủ, phường 3 thị xã Bạc Liêu, là địa điểm du lịch không thể bỏ qua của bất cứ du khác nào đặt chân tới Bạc Liêu. Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy (công tử Bạc Liêu), ngôi nhà được xây dựng 1919. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng với nhiều vật liệu phải chở từ bên Pháp sang. Từ đó đến nay, gần một thế kỷ qua căn nhà gần như vẫn giữ được những nét cơ bản của nó. Hiện nay căn nhà này được dùng làm khách sạn trong hệ thống Nhà hàng - Khách sạn công tử Bạc Liêu
2. Tháp Vĩnh Hưng
Tháp Vĩnh Hưng Tỉnh Bạc Liêu - còn có tên gọi khác là tháp Bhah Dhat, Trà Long, Lục Hiền... được nhà khảo cổ người Pháp Lunetdelaponguiere phát hiện vào năm 1911 và liệt vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer. Tháp được nhà cầm quyền thuộc địa xếp hạng số 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ.

Hiện nay, tháp cổ Vĩnh Hưng nằm trên địa bàn xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, tọa lạc trên một gò đất cao hơn mặt ruộng hiện tại khoảng 50 cm.
Vào những năm 1911, 1917 và 1959, các nhà khảo cổ người Pháp đã khảo sát, khai quật được nhiều hiện vật quanh khu vực tháp, chủ yếu là vật thờ cúng. Đặc biệt, trong đó có tấm bia khắc chữ Phạn, ghi rõ tháng Karhila, năm 814, tương ứng với năm 892 sau Công nguyên và tên vua Yacovan - Man (thế kỷ thứ IX). Các nhà khảo cổ phỏng đoán tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX sau Công nguyên
3. Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán nằm cách thị xã Bạc Liêu 7km trên đường ra vườn chim Bạc Liêu. Đây là ngôi chùa của người Khmer lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Chùa được xây dựng hồi thế kỷ 19 với kiến trúc độc đáo. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer, đó là những thử thách đối với Phật tử trên bước đường tu thành chánh quả.Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang.
4. Di tích Đồng Nọc Nạng

Di tích Nọc Nạn nằm về phía Tây Bắc huyện Giá Rai, cách huyện lỵ khoảng 1.500 m đường chim bay, cách Quốc lộ 1A khoảng 800 m về phía Bắc. Sự kiện Nọc Nạn tính đến tháng 2-2012 này tròn 84 năm, đọng lại khúc ca bi tráng ngày nào.
5. Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Từ trung tâm thành phố Bạc liêu qua cầu Kim Sơn (cầu Quay) đến ngã tư rồi theo con đường mang tên Cao Văn Lầu đi chừng 1km, du khách rẽ phải vào con đường nhỏ chừng 300m là đến khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nằm tại phường 2, thành phố Bạc Liêu. Nguyên đây là khu đất của gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với diện tích gần 3ha. Khi ông tạ thế vào năm 1976, gia đình đã an táng ông nơi đây và đến năm 1997, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2008, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư trùng tu tôn tạo khu phần mộ này thành “Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu” và đưa vào hoạt động từ ngày rằm tháng Tám âm lịch năm Kỷ Sửu (29-9-2009), nhân kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác.
6. Phật Bà Nam Hải

 Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 và  hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11m, đứng sừng sững, trang nghiêm bên bờ biển Đông (thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu), mặt hướng ra biển. Quán Âm Phật Đài được lập nên đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân vùng biển Bạc Liêu.
Năm 2004, Quán Âm Phật Đài được xây dựng lại trên diện tích 25.000m2, với nhiều hạng mục, kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng. Quán Âm Phật Đài kỳ vĩ và hoành tráng, mang vẻ đẹp thuần túy của dân tộc Việt. Tượng Quan Âm với nét mềm mại của tà áo vờn bay, khuôn mặt thánh thiện, hiền hòa. Ngoài tượng Quan Âm còn có các tượng: điện Địa Tạng, 32 tượng hóa thân của Bồ Tát, tượng Tiêu Diện đại sĩ và núi Phổ Đà... Các nghệ nhân đã nghiên cứu công hạnh của Bồ Tát qua những giai thoại lịch sử gắn kết nhân gian tạo ra những đường nét sống động.

P/s: Bài sưu tầm

No comments:

Post a Comment