Thursday, October 31, 2013

Tỉnh Bình Dương và các điểm đến du lịch của Bình Dương

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm TP. HCM 30 km.
Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương là đô thị loại 1, thành phố trực thuộc trung ương, gồm 6 quận nội thành, 4 huyện ngoại thành với 112 xã, phường, thị trấn (60 phường, 39 xã, 13 thị trấn).
Bình Dương là vùng đất chiến trường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An. Ngoài ra còn có khu du lịch Đại Nam là khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á,...
Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 2694,4 km2 xếp thứ 4 trong vùng Đông Nam Bộ. Với tọa độ địa lý 10o51' 46" - 11o30' Vĩ độ Bắc, 106o20'- 106o58' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp TP HCM. Phía Đông giáp Đồng Nai. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và TP. HCM.
Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến 11,mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm 1.800mm đến 2.000mm. Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5oC.
Bình Dương là cửa ngõ giao thương với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á … cách sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng biển chỉ từ 10 - 15 Km… thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội toàn diện. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích hơn 8.700 ha với hơn 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động có tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ  đô la Mỹ
Các điểm đến du lịch tại tỉnh Bình Dương:
1.      Khu Du Lịch Đại Nam
Cách TP HCM 40 km, Đại Nam là khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên giải trí, dã ngoại và du lịch tâm linh lớn nhất cả nước, với diện tích 450 ha. Hiện nay công trình đã hoàn thành 250 ha và đón khách tham quan. Du khách như lạc vào thế giới khác, vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Bức tường thành bằng đá với tượng binh lính canh gác tạo nên không gian của những đế chế đã mất, nhưng phía sau bức tường đó lại là khách sạn Thành Đại Nam 5.000 phòng hiện đại.Khu vui chơi giải trí hiện nay có hơn 40 trò chơi từ cảm giác mạnh như thám hiểu bầu trời, vòng xoay vũ trụ, con thuyền siêu tốc, đua xe F1... tới các trò chơi dân gian, trượt tuyết trong môi trường -5 độ C, rạp chiếu phim 4D trình chiếu các bộ phim khoa học. Khu vực biển nước mặn và nước ngọt rộng 21,6 ha, bãi cát trắng mịn và sóng cao 1,6 m, sức chứa 30.000 người.
Vườn thú rộng 12,5 ha cũng là một điểm nhấn của khu du lịch Đại Nam. Chủ sở hữu đã đem về đây nhiều động vật hoang dã quý hiếm khắp năm châu như sư tử trắng, tê giác trắng, ngựa vằn, công trắng, hà mã, khỉ sóc Nam Mỹ, linh dương sừng kiếm. Các loài thú được tự do đi lại trong môi trường tự nhiên, chỉ được tách biệt với khách tham quan bằng con suối và hàng cây.Trong suốt hành trình du ngoạn, khách tham quan có thể lựa chọn đi bộ (dù khá mỏi chân) trên con đường lớp lá dừa mát mẻ, thoải mái nghỉ ngơi tại bàn ghế gỗ kê san sát, hoặc thuê xe đạp với giá 20.000 một ngày. Trong khu du lịch văn hóa này có xe lửa là phương tiện giao thông "công cộng", phục vụ miễn phí.Dường như một ngày là không đủ để khám phá hết Đại Nam. Bầu không khí thân thiện nơi đây cũng khiến bất kỳ du khách nào cũng muốn quay trở lại, nếu đã một lần ghé thăm. Giá cả ở Đại Nam không đắt đỏ, lại tiện nghi và thỏa mãn được nhu cầu giải trí đa dạng, từ nghỉ ngơi, vui chơi, tắm biển, thử cảm giác mạnh tới lễ Phật, mua sắm, massage, tìm hiểu thiên nhiên, lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương tới thời hiện đại.
2.      Chùa Hội Khánh
Toạ lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh 25km về phía nam.Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741)Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu (1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau chùa được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100m về phía nam.Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm 1990 và 1991. Gần đây nhất, ngày 29/2/1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tổ chức trùng tu.Sau cổng tam quan cổ kính có chạm trổ rồng phượng là khuôn viên chùa yên tĩnh, với nhiều cây cao bóng cả, trong đó đặc biệt có bốn cây dầu cao chót vót, cành lá sum suê, được trồng lúc chùa mới bắt đầu xây dựng, nay tuổi cây đã trên một thế kỷ.Trong chùa, toàn bộ diện tích chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang rộng đến 700m². Ở chánh điện, các pho tượng Phật Thích ca, Địa Tạng... đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Ba tấm bao lam chạm khắc Tứ linh, Tứ quí, Cửu long và Thập bát La hán rất tinh vi, có giá trị nghệ thuật cao. Hai bên tường của chánh điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ Thập bát La hán. Các tác phẩm chạm khắc gỗ này được tạc vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do nhóm thợ điêu khắc nổi tiếng ở Thủ Dầu Một thực hiện.
3.      Hồ Bình An
Hồ Bình An, ở Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An, Bình Dương. Đến với hồ Bình An, du khách sẽ bị thu hút ngay trước vẻ đẹp thơ mộng nơi đây. Hai bên con đường chạy quanh theo bờ hồ, xanh biếc những hàng cây, gió vi vu và tiếng chim hót líu lo tạo cho ta cảm giác thật sảng khoái. Tiến sâu vào một chút là khu trung tâm nhà hàng, nơi để tổ chức tiệc cưới. Theo đó là những căn nhà nổi với lối thiết kế mái nhà của người Tây nguyên, cao và đẹp mắt. Sau một tuần làm việc bận rộn có một buổi dã ngoại hay picnic ở đây thì thật là lý tưởng.
4.      Đình Phú Long
Ðình thần Phú Long đã có từ năm 1825 với lối kiến trúc "Trùng thiềm điệp ốc" thuộc các thế kỷ 17 - 18. Ðình nằm trên một mẫu đất cách chợ Lái Thiêu 500 thước. Tiền diện hướng phía Tây Nam, sát bờ sông Sài Gòn chảy ngang.Cổng ngoài sát mặt quốc lộ 13- trung tâm thị trấn, đầu con đường nay đã tráng nhựa bóng láng dài 300 thước dẫn vào cổng trong sát tận sân đình. Hai cổng của đình đều xoay về hướng mặt trời mọc. Dân gian tín ngưỡng, các bậc trưởng lão đã nói nhiều về vùng đất Lái Thiêu của xứ Gia Ðịnh xưa, bây giờ có nhiều tầng lớp cư dân tứ xứ đến lập nghiệp, thiên nhiên ưu đãi, người người làm ăn thịnh vượng.Ðình uy nghi rộng lớn trong nhiều gian, từng bậc tam cấp bước vào đại sảnh lát gạch hoa thoáng mát. Ðình rộng 40 thước bề ngang vào sâu trên 50 thước.Mái đình lợp ngói âm dương, cổng đình, tường vách dọc ngang, chạm trổ hoa văn, họa tiết phần lớn cẩn li ti bằng từng miếng men sành sứ đồ cổ bóng mượt, ẩn hiện đủ sắc màu, phong phú với biết bao hình tượng đa dạng, điển tích cổ kính, sắc thái đặc thù giữa vùng sông nước thiên nhiên hài hòa.
5.      Suối Trúc
Suối Trúc nằm vắt mình trên một ngọn núi cao nhất trong cụm núi Cậu gồm 12 nhóm lớn nhỏ. Cụm núi Cậu được xem là đoạn cuối của dãy Trường Sơn hùng vĩ và những ngọn núi này chỉ được gọi một cái tên chung là núi Cậu. Có lẽ do ngọn suối len mình giữa bạt ngàn rừng trúc thiên nhiên nên cư dân địa phương đặt tên là suối Trúc. Cũng có người gọi là suối Tre hoặc suối Tiên. Để thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của suối Trúc, du khách phải bắt đầu từ ngọn suối đi ngược lên thượng nguồn. 
6.      Làng sơn mài Tương Bình Hiệp
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, Tx. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm Tx. Thủ Dầu Một 7km về phía bắc. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp – nơi sản xuất ra các sản phẩm sơn mài truyền thống nổi tiếng về chất lượng. Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Tùy theo qui mô lớn nhỏ của từng gia đình, mỗi gia đình có thể đảm nhận một khâu hoặc tất cả các khâu để hoàn thành một sản phẩm. Với hàng trăm hộ làm nghề sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công đã cơ giới hoá với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng mang tính chất gia đình truyền thống. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng được xuất khẩu và tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.
7.      Chùa Bà
Chùa Bà Bình Dương nằm ngay thị trấn Thủ Dầu Một, được các người Hoa xây dựng từ giữa thế kỷ 19. Chùa Bà thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu – vị nữ thần được người dân Châu Á tôn kính thờ phụng.Chùa có diện tích khá lớn được dựng theo kiến trúc chùa của các người Hoa. Hai cổng vào sơn đỏ, vào trong một khoảng sân rộng. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu đặt ngay cửa vào với hai con rồng uy nghi chầu hai bên. Ngay cửa vào có 4 câu đối thể hiện một đời sống tinh thần phong phú của người xưa khi lập ra ngôi Chùa này. Ở đỉnh miếu có rất nhiều hoa văn trang trí được là khéo léo hình Lưỡng long tranh châu và Cá hóa long.
8.      Sân Golf Sông Bé
Sân Golf ở tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 22km.  Đây là sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Được đưa vào sử dụng từ năm 1994, sân golf rộng 100ha và có hơn 10 hồ với các đường lăn bóng được viền bằng hàng cây xanh.Với chiều dài hơn 6.000m và bao gồm 18 hố, sân golf Sông Bé đã được công nhận chính thức bởi USGA/SGA (Hiệp hội những người chơi golf của Mỹ và Singapore).Những tiện nghi khác của sân golf bao gồm: sân tập, cửa hàng, sân tennis, phòng thay quần áo, nhà hàng, biệt thự, sân chơi cho trẻ em, bể bơi, phòng tập thể dục, phòng xông hơi, phòng đọc sách và các phòng chức năng.
9.      Di tích lịch sử Long Hưng Cổ Tự
Chùa Long Hưng - còn có tên khác là chùa Tổ - một di tích lịch sử có tuổi đời 243 năm, tọa lạc tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Long Hưng cổ tự không chỉ là điểm đến của các tăng ni, phật tử, người mộ đạo mà còn là điểm tham quan, tìm hiểu. Ngôi chùa gắn với lịch sử hình thành và phát triển đất phương Nam này đã trải qua bao thăng trầm của chiến tranh. Ngoài tên gọi chùa Tổ, di tích này còn có tục danh là Tổ Đình Bưng Đỉa gắn liền với nhiều giai thoại. Gần đây, ngôi chùa đã được trùng tu, nhưng vẫn còn đó nét hoang sơ thuở nào: Những hàng cây cổ thụ vút cao trên triền đồi, những ngôi mộ của các sư trụ trì viên tịch vẫn còn đó.
10. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Khí hậu nơi đậy quanh năm mát mẻ, cây trái xanh tốt với những luồng kênh rạch không quá chằng chịt cộng với màu đất đỏ phù sa đã tạo một thế giới xanh mát và trong lành. Lái Thiêu cách trung tâm Sài Gòn 20km, là một trong năm quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu nổi tiếng với những vườn trái cây rộng hơn 1.250 ha.Nhiệt độ trung bình khoảng 26 độ C, khoảng tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái chín rộ, cũng là dịp nghỉ hè của sinh viên, học sinh, và nhiều bạn trẻ đã tới nơi miệt vườn này để thưởng thức hương vị thơm ngon của nhiều loại trái cây như măng cụt, sầu riêng, mít, chôm chôm, vú sữa, dâu, bòn bon…và tận hưởng không khí trong lành, yên bình của vùng miệt vườn Lái Thiêu.
11. Làng nghề gốm sứ
Bình Dương vốn nổi tiếng với nghề làm gốm. Tại đây có nhiều làng sản xuất gốm sứ như ở các xã Hưng Định, Thuận Giao, Bình Hoà (huyện Thuận An).Phường Chánh Nghĩa của thị xã Thủ Dầu Một với gần 500 lò gốm sứ. Nghề làm gốm sứ Sông Bé trước đây và Bình Dương ngày nay đã phát triển đến trình độ cao từ đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ đến đồ sứ công nghiệp.
P/s: Bài viết có sử dụng hình ảnh và tài liệu tham khảo trên internet

Thursday, October 17, 2013

Việt nam quê hương tôi

                   


                           Tác giả: Đỗ Nhuận
Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi 
Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời 
Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả 
Vút phi lao gió thổi bên bờ 
Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi 
Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời
Miền Nam đất nước quê hương chúng tôi 
Có rừng dừa xanh xa tít chân trời 
Người thiếu nữ dạt dào tình trẻ 
Dáng xinh tươi đang tuổi yêu đời 
Lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi 
Với cánh tay dựng lên đất trời
Mùa Xuân đã tới quê hương chúng tôi 
Mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi 
Đồng xanh lúa rập rờn biển cả 
Tiếng ai ru con ngủ ru hời 
Đồng xanh lúa thẳng cánh bay cò bay 
Đưa nước về làng quê xóm tôi
Việt Nam yêu dấu thanh thanh lũy tre 
Suối đổ về sông qua những nương chè 
Dòng sông cuốn dồn về biển cả 
Lứa thanh niên vui thỏa cuộc đời 
Mùa Xuân tới nguồn sống đang sục sôi 
Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời !



Hoàng hôn


Bến Tre và các điểm đến du lịch của tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn  sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông với chiều dài đường biển khoảng 65 km và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây qua tỉnh Tiền Giang và Long An. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, có độ cao trung bình từ 1 đến 2m so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, độ cao chênh lệch khá lớn, tối đa là 3,5 m. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26oC - 27oC. Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500 mm.
Trước kia, tỉnh Bến Tre là vùng hoang vu, một thời gian sau đó có một vài nhóm người đến định cư và thường tập trung nơi đất cao trên các giồng các ven biển, hoặc dọc theo các đê sông, rạch, thuận tiện cho việc đi lại, sinh sống và tránh lũ lụt. Càng ngày số người đến định cư ngày càng đông, chính sự di cư này kèm theo sự gia tăng dân số, làm cho diện tích  rừng ngày càng thu hẹp.
Bến Tre cũng là quê hương của Đạo Dừa, với biệt danh là "Xứ Dừa". Từ thời chiễn tranh Việt Nam, Bến Tre được coi là "quê hương Đồng khởi", mở đầu cho cao trào đấu tranh vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam chống chế độ  Ngô Đình Diệm, khốc liệt nhất là trong năm 1960.
Tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt, đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, với các hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía tây và nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km. Bến Tre có bốn con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc đồng thời chia Bến Tre thành ba phần là cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh phù sa màu mỡ, cây trái sum suê...
Bến Tre có điểm cực Nam nằm trên vĩ độ 9o48’ Bắc, cực Bắc nằm trên vĩ độ 10o20’ Bắc, cực Đông nằm trên kinh độ 106o48’ Đông và điểm cực Tây nằm trên kinh độ 105o57’ Đông.
Song song với giao thông thủy, ở Bến Tre, hệ thống giao thông đường bộ cũng có một vị trí rất đặc biệt. Thị xã Bến Tre nối liền với thành phố Hồ Chí Minh (qua Tiền Giang, Long An) dài 86 km. Quốc lộ 60 từ phà Rạch Miễu qua thị xã Bến Tre, qua sông Hàm Luông, thị trấn Mỏ Cày, đến phà Cổ Chiên, sang tỉnh Trà Vinh. Quốc lộ 57 từ thị trấn Mỏ Cày, qua thị trấn Chợ Lách đến phà Đình Khao sang Vĩnh Long. Tỉnh lộ 888 nối thị trấn Mỏ Cày với thị trấn Thạnh Phú. Tỉnh lộ 885 nối thị xã Bến Tre với thị trấn Ba Tri, qua thị trấn Giồng Trôm. Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Tân Thành đến bến phà Tân Phú. Tỉnh lộ 882 nối quốc lộ 60 với quốc lộ 57. Tỉnh lộ 883 nối quốc lộ 60 qua thị trấn Bình Đại đến xã Thới Thuận. Tỉnh lộ 887 từ cầu Bến Tre xuống ngã ba Sơn Đốc.
 Các điểm đến thú vị tại tỉnh Bến Tre:
1. Sân chim Vàm Hồ
Sân chim nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ thành phố Bến Tre theo đường tỉnh 885, đến thị trấn Ba Tri rồi rẽ về ngã Tân Xuân là đến Vàm hồ, đoạn đường dài khoảng 52 km. Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Người ta biết đến vùng đất này từ hơn 100 năm nay với tên gọi là cù lao Lá. Lúc đầu, nơi đây là một con rạch nhỏ, đổ ra sông Ba Lai, dần dần do phù sa bồi đắp mà nên. Với độ cao trung bình khoảng 1,2 m so với mặt nước biển, Vàm Hồ là địa điểm lý tưởng cho các loài thực vật phát triển tạo thành một dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục ha xuôi theo dòng Ba Lai. Đó chính là nơi trú ngụ của hơn nửa triệu con chim các loại. Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám...; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo....; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn....
2. Cồn Quy
Cồn Quy - một cồn đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền Giang giữa 2 xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách trung tâm Tx. Bến Tre 22km đường sông. Trên Cồn Qui là các khu vườn trồng cây ăn trái như: sa-pô-chê, nhãn, bưởi... Dạo chơi sông Tiền, du khách thường ghé vào Cồn Qui để thưởng thức trái cây thơm ngon và các loại tôm cá.
Cồn Quy là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu thập kỷ 1960. Vào năm 1955, ông Phạm Cao Thăng là người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp. Ông trồng nhiều cây bần để giữ đất không bị trôi. Hàng năm, nhờ lượng phù sa bồi đắp nên Cồn Qui ngày càng được mở rộng. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và nhiều loại cây ăn trái.
3.Cồn Phụng

Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12 km (đường bộ) và 25 km (đường sông).
Cồn Phụng có diện tích 50 ha, dân cư sống chủ yếu bằng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa và trồng cây ăn trái.Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là "Xứ giả của hòa bình", chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).
4.Làng hoa cảnh chợ Lách
Về làng hoa kiểng, cây giống Chợ Lách, bạn như bị “mê hoặc” bởi không gian của một vùng quê trù phú, hoa trái bạt ngàn. Trải qua gần trăm năm gầy dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, giờ đây, mỗi năm làng nghề này mang về lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch lý tưởng mang đậm nét miệt vườn Nam bộ…


5. Đình Phú Tự và cây bạch mai cổ


Đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TX Bến Tre) xây dựng trên gò đất cao nhất vùng, xưa gọi là Gò Xoài. Thời Minh Mạng, khi dân địa phương chọn nơi đắc địa này dựng đình, đã có cây Bạch mai được trồng từ lâu. Đầu thế kỷ 20, khi trùng tu, đình được đổi theo hướng Đông Nam nhìn ra sông Bến Tre nên cây Bạch mai đứng ngay giữa sân đình, bên cạnh đàn Xã tắc, càng tôn thêm vẻ thanh nhã, trang nghiêm của đình.Cây Bạch mai sinh sôi, nảy nở mọc thành bụi dày với khoảng 50 thân lớn nhỏ, cao 5-6m, trong đó có 16 thân lớn, đường kính từ 20-30cm. Các nhánh lớn vươn mình trong tư thế nằm ngang mặt đất, dài từ 7-8m, tỏa thành tán rộng chiếm diện tích khoảng 250m2.
Hằng năm, vào giữa tiết Lập xuân và tiết Thanh minh (từ rằm tháng giêng đến rằm tháng hai Âm lịch), cây Bạch mai lại nở hoa trắng xóa, tỏa hương thơm ngát cả một vùng (đặc biệt, hoa chỉ nở vào ban đêm). Đây là một trong ba cây Bạch mai có tuổi thọ cao nhất nước, còn được mệnh danh là: "Cổ thụ mai", "Thần mai", "Danh mộc Bạch mai".
6. Lăng Nguyễn Thị Định
Nguyễn Thị Định (1920-1992) sinh ra trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1936 bà đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1974 bà được phong hàm Thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1980, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bà là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến 1992 - năm bà qua đời.Nhân dân yêu quý bà không vì chức cao, quyền trọng mà vì tấm lòng nhân ái và trong sáng của bà. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết về bà như sau: "Chị Ba Định ạ! Ngày xưa, người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là "sống làm tướng, chết thành thần". Ngày 2-9-1995, bà đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.
Lăng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại Lương Hòa, huyện Giồng Trôm trên khuôn viên 1,5 mẫu. Trong đền thờ có tượng đồng bán thân bà cao 1,75m, nặng hơn 1 tấn do Trung tá Nguyễn Phước Tùng ở Bộ Tư lệnh quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng tạc. Đây là tác phẩm điêu khắc có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
7. Đình Phú Lễ
Năm 1826, vua Minh Mạng sắc phong và cho thành lập Đình Phú Lễ. Đình tọa lạc tại Phú Lễ, Ba Tri. Đình có quy mô lớn và đẹp nhất của các đình làng quê ven biển Bến Tre. Đình nằm trong bóng mát của hàng trăm cây dầu cổ thụ càng tôn thêm dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc...
Từ đó, Phú Lễ sở hữu ba di sản văn hóa lớn, một là ngôi đình thuộc loại cổ nhất Nam Bộ với mái ngói rêu phong kỳ bí, hai là điệu hát sắc bùa, ba là rượu nếp Phú Lễ danh bất hư truyền...
8. Lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu
Tọa lạc tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, mộ và khu tưởng niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa vào ngày 16/03/1993. Khu mộ được xây dựng từ đất của một học trò cũ do thầy chỉ dạy. Năm 1990, khu lăng mộ được mở rộng lần thứ nhất với diện tích 5.000m². Đến năm 2000, quy mô của lăng mộ được mở rộng thêm, lần này diện tích đã tăng gấp đôi: 1.000m². Khởi công từ ngày 01/7/2000, đến ngày 30/6/2002 khu lăng mộ mới được khánh thành.
Đặc sản tại Bến Tre
Tới Bến Tre bạn sẽ được thưởng thức vô số những món ăn vô cùng hấp dẫn như: Bánh tét lá cẩm ở Bình Thuỷ, lẩu cháo cua đồng,canh chua cá linh bông sua đũa, cơm dừa, rượu dừa, kẹo dừa...

P/s: Bài viết có dữ liệu và hình ảnh sưu tầm trên internet



Tuesday, October 15, 2013

Tỉnh Bắc Ninh và các điểm du lịch tại Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam thuộc đồng bằng sông Hồng và nằm trên vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh tiếp giáp với vùng trung du Bắc bộ tại tỉnh Bắc Giang. Bắc Ninh là cửa ngõ phía đông bắc của thủ đô. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Ninh nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30 km về phía đông bắc. phía tây và tây nam giáp thủ đô Hà Nội, Phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang,  phía đông  đông nam giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh này thuộc vùng Thủ đô. Ngoài ra, Bắc Ninh còn nằm trên 2 hành lang kinh tế Côn Minh -  Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh  Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Bắc Ninh là tỉnh giàu văn hóa và nổi tiếng về dân ca quan họ Bắc Ninh. Bắc Ninh là trung tâm xứ Kinh Bắc cổ xưa. Đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống khoa bảng và nền văn hóa lâu đời. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 41 lễ hội đáng chú ý trong năm được duy trì. Trong đó có những lễ hội có ý nghĩa đặc biệt và có tầm ảnh hưởng lớn như: hội chùa Dâu, hội Lim, hội đền Đô, hội đền Bà Chúa Kho. Con người Bắc Ninh mang trong mình truyền thống văn hoá, hiếu khách, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian... đặc biệt là những làn điệu dân ca  quan họ trữ tình nổi tiếng trong và ngoài nước
Bắc Ninh ở vị tri thuận lợi về giao thông đường bộ và đường không. Các tuyến đường huyết mạch: Quốc lộ 1A, 1B, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn, Hà Nội- Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực phía Bắc Việt Nam, với cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước. 
Tỉnh có đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A chạy xuyên qua. Từ thành phố Bắc Ninh theo quốc lộ 38 tới Cẩm Giàng (Hải Dương). Thành phố Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30km, Bắc Giang 20km, theo quốc lộ 1A.
Các điểm đến du lịch tại Bắc Ninh

1. Làng Đình Bảng

Đến với Bắc Ninh, khách du lịch nên ghé thăm Đình Bảng đó là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn Đại vương (thần Núi), Thủy Bá Đại vương (thần Nước) và Bách Lệ Đại vương (thần Đất) đồng thời thờ sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15. Đình Bảng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay
2. Chùa Dâu

Chùa Dâu tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự. Nơi đây là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.
Theo ghi chép trong sách sử và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ Ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú. Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
3. Chùa Bút Tháp

Nằm tọa lạc ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê theo kiểu "nội công ngoại quốc", với bố cục gọn gàng và rất sinh động và là một ngôi chùa được tu tạo vào thời nở rộ của những kiến trúc "trăm gian", chùa có quy mô bề thế so với những ngôi chùa cùng thời và hết sức nổi bật trên hai loại chất liệu là gỗ và đá được thể hiện ở trên các chi tiết kiến trúc cũng như trên đồ thờ.
Chùa có nhiều tháp, nổi tiếng nhất là tháp Báo Nghiêm cao 13m bằng đá, tám mặt và còn được gọi là Tháp Bút nên chùa có tên là Bút Tháp. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
Tượng Phật Bà - Tác phẩm “độc nhất vô nhị” có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, đường kính vành tay 2,24m, có 11 đầu chia làm 4 tầng, 42 bàn tay và 958 tay nhỏ. Điều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung (Tượng do ông họ Trương làm xong vào ngày tốt mùa thu năm Bính Dần - 1656).
4. Làng Tranh Đông Hồ

Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
                                           Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
                                           Loẹt lòe trên vách bức tranh gà

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), v.v. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu mà thôi.
5. Chùa Phật Tích

Chùa có tên hiệu là Vạn Phúc, tọa lạc ở sườn phía Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa cách Hà Nội khoảng 25 km về phía Đông Bắc.
Khởi nguyên của chùa Phật Tích gắn liền với trung tâm Phật giáo Luy Lâu và sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ gắn liền với nhà sư Khâu-Đà-La. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ VII-X. Đến thời Lý, chùa được đại trùng tu quy mô, trở thành một trung tâm Phật giáo Việt Nam bấy giờ. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp và đúc pho tượng mình vàng. Vua còn tự tay viết chữ "Phật" dài 1 trượng 6 thước được khắc vào bia đá.
7. Làng Quan Họ cổ Viêm Xá

Làng quan họ Viêm Xá (hay còn gọi là Diềm Xá) nay thuộc xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Làng có con sông Ngũ Huyện chảy vòng như dải lụa rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn đầu làng tạo nên một thế đất sơn thuỷ hữu tình .Viêm Xá là làng quan họ gốc và thuỷ tổ của làn điệu dân ca ấy là đức vua Bà hiện đang được nhân dân thờ phụng tại ngôi đền cũng trên đất Viêm Xá. Ở đây, từ lòng đất đã tìm ra những di chỉ quý như lười rìu xén tinh xảo, lưỡi dao găm sắc ngọt, đốc cầm bình củ cầu kỳ, chuỗi hạt ngọc lưu ly huyền ảo.Tại núi Quả Cảm còn tìm thấy các đồ dùng sinh hoạt của con người thời xưa như bát ăn, những khuyên tai màu xanh ngà, những chuỗi lưu ly màu xanh ngọc đã chứng tỏ tài thủ công và trình độ sống một thời của các cư dân từng ở đây.Từ những dấu tích và huyền thoại, các nhà khoa học đã khẳng định nơi đây quần thể di tích có hệ thống khá dày đặc. Các di chỉ do kết quả khảo cổ đem lại càng khẳng định độ tuổi đến hơn 2000 năm của làng Viêm Xá cổ kính.
Ngoài những địa danh mình đã nhắc đến ở trên các bạn còn có thể ghé thăm các ngôi chùa cũng rất đẹp khác như : Chùa Cảm Ứng, chùa Linh Ứng, chùa Hàm Long, chùa Bồ Vàng... và thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của Bắc Ninh như: Bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm (Viêm Xá), bánh tro, bánh đúc lạc,bánh phu thê đình Bảng...
P/s: Bài viết có dữ liệu và hình ảnh sưu tầm trên internet